Vị trí phân loại và đặc điểm hình thái nấm Linh Chi

Tên khoa học: Ganoderma lucidum (Leyss ex. Fr) Karst.

Tên tiếng Anh: Ling zhi, Reishi

Tên khác: Xích chi, đan chi, tiên thảo, thụy thảo, Nấm lim.

Linh chi thuộc họ Ganodermataceae, bộ Polyporales, lớp phụ Hymenomycetidae, lớp Agricomycetes, ngành phụ Agricomycotina, ngành Nấm đảm – Basidiomycota, giới Nấm – Fungi.

Chi Ganoderma trên thế giới có trên 50 loài, riêng Trung Quốc đã có tới 48 loài khác nhau (nhóm Lucidum có 21 loài, nhóm Sinensis có 27 loài). Ở Việt Nam có khoảng 37 loài Linh chi phân bố ở các rừng có nhiều loại gỗ cây lá rộng, nhất là rừng gỗ Lim nên còn gọi là nấm Lim.

Theo các sách dược thảo nhiều triều đại ghi chép về nấm Linh chi thì Trung Quốc là nước đã sử dụng Linh chi làm thuốc từ lâu đời: vào đời Đông Hán (trước đây 1625 năm), trong tác phẩm “Thần nông bản thảo”, Ung Trọng Thuần đã nói: Linh chi là thuốc kết tinh được cái quý của mây mưa trên núi cao, cái tinh của ngũ hành trong ngày đêm mà khoe năm sắc nên có thể giữ sức khoẻ cho các bậc đế vương. Đến đời Minh (năm 1590), trong “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân nói rõ hơn: có 6 loại Linh chi (Xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, tím); ăn nhiều lần cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên. Gần đây nhiều người dùng phương pháp khoa học, trực tiếp ăn thử Linh chi để xác minh tính chất vốn có đã ghi trong “Bản thảo cương mục” như phân tích thành phần hoá học, nghiên cứu tác dụng dược lý và thí nghiệm lâm sàng,… một cách đồng bộ để một mặt làm sáng tỏ tính thần kỳ của nó từ xưa mặt khác bổ sung thêm những điều mới lạ do khoa học kỹ thuật hiện đại mang lại. Nấm Linh chi phân bố khắp nơi trên thế giới, ký sinh rộng khắp ở các loài cây lá rộng đến lá kim, thậm chí ở các loại cây tre trúc, dừa, cau, cọ dừa và nho đều mọc được. Linh chi tiết ra các men phân giải màng tế bào endopolygalacturonase (endo-PG) và endopectin methyl-translinase (endo-PMTE) có tác dụng làm nhũn tế bào thực vật rất mạnh gây nên tình trạng các loại gỗ và rễ cây bị mủn ra.

Cho tới nay, người ta đã thừa nhận Linh chi có 6 đặc trưng dưới đây:

  1. Gano = bóng, derma = da, nghĩa là biểu bì bóng láng (Karsten, 1881) vì tiết ra một chất dạng keo phủ lên trên.
  2. Có tác dụng đến chất Xenlulo và Linhin (chất gỗ) nên làm cho gỗ bị mục ra.
  3. Đảm bào tử hình trứng, có hai lớp màng:

– Lớp trong mầu vàng, phía trên gai nhỏ dạng bướu.

– Lớp ngoài trong suốt, không mầu và mỏng. Phần mũ của cái nấm tương đối dầy, sau khi thành thục thường ở dạng cụt đầu.

  1. Sợi nấm đại thể có 3 dạng:

– Dạng sinh sản.

– Dạng bộ xương.

– Dạng kết hợp.

  1. Có thể tiết ra enzym dạng keo (laccase) và enzym perosidase nhưng không cho enzym tynosinase.
  2. Khi nuôi cấy thuần, trong khuẩn lạc có tế bào hoá sừng (cuticular cell) dạng bầu dục và rỗng không, một số giống nấm có thể sinh ra các bào tử màng dầy (chlamydospore).

Từ hơn 200 năm về trước Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) đã đề ra phương châm: “Nam dược trị Nam nhân” đã sử dụng Linh chi trong một số bài thuốc.

5/5 (1 Rating)