1.1. Hình thái và giá trị dược liệu
Tên khoa học: Ganoderma lucidum (Leyss ex. Fr) Karst.
Linh chi thuộc họ Ganodermataceae, bộ Polyporales, lớp Agricomycetes, ngành nấm đảm basidomycota, giới nấm Fungi.
– Nấm linh chi (quả thể) cây nấm gồm 2 phần cuống nấm và mũ nấm (phần phiến đối diện với mũ nấm).
– Cuống nấm ít phân nhánh, đôi khi có uốn khúc cong queo. Lớp vỏ cuống màu đỏ, nâu đỏ, nâu đen, bóng, không có lông, phủ suốt lên mặt tán nấm.
– Mũ nấm khi non có hình trứng lớn dần có hình quạt. Trên mặt mũ có vân gạch đồng tâm màu sắc từ vàng chanh – vàng nghệ – vàng nâu – vàng cam – đỏ nâu – nâu tím nhẵn bóng như quét vecni. Mũ nấm thường có đường kính từ 2-15 cm, dày 0,8 – 1,2cm có loài Linh chi đường kính lớn tới trên 100cm phần đính cuống thường gồ lên hoặc hơi lõm.
Một số nghiên cứu bước đầu cho thấy nấm Linh chi có tác dụng có lợi cho sức khỏe con người, tăng khả năng miễn dịch, phòng ngừa được một số bệnh.
1.2. Đặc tính sinh học
Khi nấm đến tuổi trưởng thành phát tán bào tử từ phiến có màu nâu sẫm.
* Nhiệt độ thích hợp:
Giai đoạn nuôi sợi: Từ 20oC-30oC; Giai đoạn quả thể: từ 22oC – 28oC.
* Độ ẩm:
Độ ẩm cơ chất: 60% – 65%; Độ ẩm không khí: 80% – 95%.
* Độ thông thoáng:
Trong suốt quá trình nuôi sợi và phát triển quả thể, nấm linh chi đều cần có độ thông thoáng tốt.
* Ánh sáng:
– Giai đoạn nuôi sợi không cần ánh sáng
– Giai đoạn phát triển quả thể cần ánh sáng tán xạ (ánh sáng đọc sách được). Cường độ ánh sáng cân đối từ mọi phía.
* pH:
Linh chi thích nghi trong môi trường trung tính đến axit yếu (pH từ 5,5 – 7).
* Dinh dưỡng:
Sử dụng trực tiếp nguồn Xenlulo.
2.1. Thời vụ
Ở Quảng Nam, có 2 thời vụ thích hợp trồng nấm linh chi gồm:
– Vụ Xuân – Hè: Thời gian bắt đầu cấy giống từ tháng 1 đến tháng 2.
– Vụ Thu – Đông: Thời gian bắt đầu cấy giống từ tháng 8 đến tháng 9. Đối với vùng bị ngập lụt vào mùa mưa nên cấy giống từ tháng 6 đến tháng 7.
Một chu kỳ từ khi ủ mùn cưa đến khi thu hoạch xong đợt nấm cuối cùng khoảng 3-3,5 tháng.
2.2 . Nguyên liệu
Nguyên liệu đưa vào trồng nấm nấm linh chi là mùn cưa cây gỗ tạp như Gòn, Bạc lá, Lồng mức, Trẩu, Cao su , Phượng vĩ nhưng mùn cưa phải mới và không bị mốc, ướt. Trong đó mùn cưa cây Cao su đạt năng suất cao hơn.
2.3. Xử lý nguyên liệu
+ Pha nước vôi để tạo ẩm cho mùn cưa. Dùng vôi với tỉ lệ vôi là 1,5% so với nguyên liệu (1,5 kg vôi / 01 tấn mùn cưa). Pha 1,5 kg vôi bột Bạch Tuyết với 200lít nước sạch tưới đều lên mùn cưa sau đó trộn đều và tủ đống.
+ Kiểm tra độ ẩm mùn cưa, mùn cưa có độ ẩm 62% là đạt, mùn cưa sau khi trộn bằng nước vôi có màu nâu sẫm, dồn mùn cưa thành đống dùng bạt tủ cho kín,khối lượng mùn cưa cần cho một lần ủ là 300kg trở lên.
– Đảo đống ủ:
Sau thời gian ủ mùn cưa từ 3-5 ngày tiến hành đảo đống ủ. Trước khi tiến hành đảo phải kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm của nguyên liệu và có biện pháp xử lý kịp thời, đảo đống ủ theo cách (từ trong ra ngoài, từ trên xuống). Sau đó ủ lại từ 3-5 ngày. Sau 3-5 ngày ta tiến hành đảo lại theo như lần đầu và tiếp tục ủ lại. Thời gian ủ mùn cưa tùy thuộc vào từng loại gỗ nhưng thống thường từ 10-15 ngày.
2.4. Đóng bịch
Sau thời gian ủ ta tiến hành đóng bịch, mở bạt kiểm ta nhiệt độ trong đống ủ và kiểm tra độ ẩm của nguyên liệu bằng cảm nhận và quan sát màu sắc của đống ủ nếu nguyên liệu khô ta phải bổ sung bằng nước vôi trong, còn nếu nguyên liệu quá ướt ta phải canh ra phơi cho khô bớt sau đó ta tiến hành bổ sung dinh dưỡng và phụ gia như sau:
Bột nhẹ: 2%; Bột bắp: 7%; Cám gạo:7%
Trộn đều tất cả hỗn hợp trên với mùn cưa sau đó đảo đều.
Tỷ lệ phụ gia được tính theo trọng lượng của nguyên liệu khô. Sau khi đã phối trộn nguyên liệu xong, tiến hành đóng bịch ngay. Dùng túi nilon chịu nhiệt (PP) có kích thước 25 x 35cm, túi đã được gấp đáy, cho mùn cưa vào túi dùng tay nén chặt tạo thành khối, khi bịch có trọng lượng 1,3-1,4 kg thì tra cổ nút, nhét bông và đậy cổ nút miệng bịch lại và đưa đi hấp khử trùng.
2.5. Hấp khử trùng
+ Hấp công nghiệp:
Đưa bịch xếp vào buồng khử trùng, hấp ở áp suất 1,2-1,5 atm, nhiệt độ 120-1250C trong thời gian từ 4-5 giờ
+ Hấp thủ công:
Sau khi đóng túi, đưa bịch xếp vào thùng phuy hoặc lò hấp, hấp cách thủy khử trùng trong thời gian từ 10-12 giờ, nhiệt độ trong túi nguyên liệu đạt từ 950C -1000C
Sau khi hấp, để nguội 24 giờ tiến hành cấy giống
2.6. Cấy giống
Giống nấm Linh chi được làm trên hạt thóc đựng trong chai thuỷ tinh, dùng giống cấp 2 để cấy.
Giống tốt có màu trắng đồng nhất, ăn kín đáy chai từ 2 – 3 ngày.
Giống có mùi thơm, không xanh, đen, vàng. Tuổi giống từ 20-22 ngày tuổi, không được cấy giống già hoặc non.
+ Phòng cấy
Phòng cấy phải sạch sẽ, thoáng mát, thuận tiện làm vệ sinh. Trước mỗi đợt cấy giống khử trùng phòng bằng nước vôi hoặc fooc-môn matsc,5 lít fooc-môn + 100 lít nước phun cho 250 m2 diện tích phòng ) hoặc dựng lưu huỳnh để xông (đốt 100g lưu huỳnh/10m2 nhà, đóng kín cửa 3 ngày rồi mới sử dụng).
Kỹ thuật cấy
Mặc quần áo bảo hộ lao động và đeo khẩu trang khi cấy giống.
Vô trùng dụng cụ, tay, chai giống bằng cồn 96 độ.
Cầm chai giống, sử dụng que để khều giống, tháo nút bông, khều giống sang bịch mùn cưa sao cho lượng giống rải đều trên bề mặt mùn cưa, đậy nút bông.
Chai giống luôn phải để nằm ngang.
Thao tác phải chuẩn xác, nhanh gọn và thực hiện xung quanh ngọn lửa đèn cồn để chống bào tử nấm dại trong không khí rơi vào bịch mùn cưa.
Lượng giống cấy vào mỗi bịch: 15g giống/1 bịch.
Cấy giống bằng tủ cấy vô trùng tỷ lệ bịch phôi bị nhiễm sẽ thấp hơn cấy không có tủ từ 3-5%.
2.7. Ươm bịch, nuôi sợi
Đặt các bịch đã cấy giống lên giàn nhiều tầng hoặc trên nền nhà ươm sạch sẽ, thoáng mát, không có ánh nắng chiếu trực tiếp.
Nhiệt độ phòng nuôi sợi từ 220C – 300C, độ ẩm: 80 – 85%.
Các bịch có thể xếp sát nhau nhưng không chồng lên nhau.
Chú ý: Chống chuột khoét túi ăn giống.
Sau khi ươm sợi 20 – 25 ngày, sợi nấm đã ăn vào cơ chất từ 5 – 6cm thì các sợi ở trên sẽ bắt vào nút bông và tạo quả thể, vì vậy ta phải làm lỏng bớt nút bông bằng cách tháo nút và bỏ bớt 1/2 – 2/3 lượng bông của nút. Sau đó, nhét nhẹ nút bông trở lại cho tiếp xúc với mặt trên của cơ chất, tạo độ thông thoáng và độ bám cho quả thể nấm phát triển.
Thời gian ươm sợi từ 30 – 40 ngày. Khi sợi nấm ăn gần kín đáy túi, ở miệng nút nấm tạo mô sẹo bắt đầu hình thành quả thể.
Kết thúc giai đoạn ươm sợi ta chuyển bịch nấm ra giàn chăm sóc.
2.8. Chăm sóc, thu hái.
– Chăm sóc: Chuyển bịch nấm đã ươm sợi ra trại trồng, xếp bịch lên giàn, trên nền với khoảng cách bịch cách nhau 7 – 10cm, hoặc treo dây theo hình thức treo bịch nằm ngang và đấu đít nhau (hình dưới), giữa 2 hàng chừa lối đi lại chăm sóc thu hái. Trại trồng có nhiệt độ từ 20 – 280C, độ ẩm không khí 80 – 90% và có ánh sáng khuếch tán (ánh sáng đọc sách được) chiếu đều từ mọi hướng. Hàng ngày tưới nước giữ ẩm 1 – 2 lần bằng bình phun, tưới nhẹ trực tiếp lên quả thể nấm.
Tránh gió lùa, chăm sóc để nấm phát triển đều, tạo chân, cánh nấm có màu cánh gián và đường vân.
– Thu hái: Khi nấm linh chi phát triển không còn lớp viền trắng quanh mũ là đến giai đoạn ngừng sinh trưởng, tiến hành thu hái.
Cách thu hái: Dùng dao hoặc kéo sắc cắt ngang chân nấm, sát miệng bịch. Cắt xong dùng vôi loãng bôi vào vết cắt trên bịch để sát trùng, tạo cho bịch hình thành quả thể mới.
Nhặt sạch bông dính trên quả thể nấm đã cắt, đem phơi hoặc sấy ngay ở nhiệt độ 50 – 550C.
Chú ý: Khi cắt gốc thu nấm tránh làm long chân nấm trong cổ bịch phôi, trường hợp bị long chân nấm thì ta rạch 2 vết rạch đối xứng ở vai bịch để quả thể nấm phát triển bình thường.
Thu hái xong, khi bịch phôi không ra nấm nữa phải đưa bã nấm ra xa nhà trại để trồng nấm rơm, sau khi thu nấm rơm xong, dùng chế phẩm vi sinh ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Dọn vệ sinh sạch sẽ nhà trồng nấm, tưới nước vôi (như vôi quét tường) hoặc rắc 1 lớp vôi bột mỏng toàn bộ nền để cách ly trước khi trồng tiếp đợt sau.